Festival de Cannes
Phim » ADAM » của Maryam Touzani
Hôm thứ hai 20 tháng 5 năm 2019 tại Đại hội Điện ảnh Festival de Cannes, chiếu phim Adam của nữ đạo diễn Maryam Touzani, quốc gia Maroc, tranh Giải « Caméra d’or » (« Camera Vàng ») là giải phim đầu tay của một đạo diễn. Buổi chiếu hôm nay được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt.
Nữ đạo diễn cũng là diễn viên đã từng là diễn viên trong phim Razzia với vai Salima do chồng cô Nave Ayouch đạo diễn.
« Adam », một phim về cuộc chiến đấu của những bà mẹ độc thân ở Maroc, Bắc Phi.
Phim bắt đầu bằng màn gặp gỡ tình cờ giữa hai phụ nữ ở vùng Medina của thành phố Casablanca.
Samia là một bà mẹ trẻ độc thân, mang thai, đến từ nông thôn lên tỉnh tìm việc và có ý định sau khi sinh con, sẽ ccho người ta làm con nuôi, và trở về quê xây dựng cuộc đời mới.
Samia, bụng chửa, gõ cử từng nhà để xin việc. Sau khi bị bao người từ chối, bà mẹ độc thân này được một goá phụ tên là Abla nâng đỡ. Abla đang vật lộn với cuộc sống để nuôi đứa con gái 8 tuổi, người goá phụ này đã mất hương vị của cuộc sống kể từ khi chồng cô qua đời. Abla không bao giờ quên cảnh thảm thương sau : sau khi chết vì tai nạn, xác người chồng đang còn nóng, người ta đã vội vàng chôn cất vì là ngày cầu kinh. Abla than « Ngay sự chết, đàn bà Maroc cũng không có một tí quyền gì » Hai người phụ nữ càng ngày càng gần gũi, cùng nhau thực hiện một mối tái sinh nội tâm thực sự.
Abla sống nhờ nghề vừa làm vừa bán bánh, Samia giúp một tay làm thêm vài thứ bánh theo kiểu truyền thống của quê nhà nên cửa hàng càng ngày càng phát đạt.
Sau khi sinh đứa con trai tại ngay nhà Abla, Samia nhất định cho người ta làm con nuôi mặc dù rất đau lòng. Abla khuyên Samia nên giữ con lại nhưng Samia vừa khóc vừa nói :
« Nếu nó ở với tôi, nó sẽ không có một tương lai nào vì là con « hoang », không có tôi, tương lai nó sẽ có một ít hứa hẹn nào đó ».
Đây là một phim tranh đấu cho phụ nữ trong một nước Maroc theo truyền thống Hồi giáo, phụ nữ không có bất cứ một quyền gì.
Tuy là phim đầu tay, nữ tác giả Maryam Touzani đã thành công lớn trong công trình đạo diễn. Sự diễn tiến của tình cảm được lèo lái một cách tế nhị, những tố giác chống bất công trong xã hội Maroc hiện thời tuy chỉ kín đáo nhắc đến, nhưng rất hữu hiệu qua những tình cảm tự nhiên qua đời sống của hai người đàn bà. Nhờ sư tế nhị của đạo diễn, nhờ diễn xuất thiện nghệ, cuốn phim trở nên một vũ khí. sắc bén của cuộc tranh đấu cho nữ quyền ở Maroc.
Nguyễn Đình Nhân
Festival de Cannes Tháng 5 năm 2019
Poster un Commentaire