Biểu tình trước Sứ quán Tàu ở Hà Nội về Bãi Tư Chính
Một cuộc biểu tình nhỏ diễn ra hôm 6/8 trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
Một số người thuộc tổ chức dân sự No-U biểu tình phản đối tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc vào Bãi Tư Chính, khu vực mà Hà Nội khẳng định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cảnh sát đã nhanh chóng giải tán nhóm biểu tình gồm khoảng 10 người chỉ trong ít phút, Reuters tường thuật.
« Đối đầu » giữa các tàu TQ và VN lại xảy ra ở Biển Đông
VN ‘quá rụt rè trước TQ’ trong vấn đề Biển Đông
VN ‘thêm chính danh ở Biển Đông’ khi được EU ủng hộ?
Tuy chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ và sớm bị giải tán, nhưng đây rất có thể sẽ là khởi đầu cho những cuộc biểu tình sắp tới của người dân, nhằm thể hiện thái độ ‘căm phẫn’ trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, một cựu quan chức nói với BBC Tiếng Việt.
« Trong những ngày tới, nếu tình hình ở Bãi Tư Chính vẫn tiếp tục căng thẳng, sẽ có thể có những cuộc biểu tình khác do người dân tự đứng lên tổ chức », PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nhận định.
Vì sao biểu tình?
« Chúng tôi đang làm điều này trước Đại sứ quán Trung Quốc để cho thế giới biết sự căm phẫn của chúng tôi, » ông Lê Hoàng, một người biểu tình của nhóm No-U, nói với hãng tin Anh Reuters.
« Phải kiện Trung Quốc về việc xâm phạm lãnh thổ của vùng thềm lục địa mà theo luật biển quốc tế đã quy định. Phải đưa ra tòa án quốc tế, » ông Nguyễn Văn Phương, một người biểu tình khác nói.
Hôm 3/7, tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc đã vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để « thực hiện một cuộc khảo sát địa chất ».
Các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc và Việt Nam sau đó đã tham gia vào một cuộc đối đầu kéo dài nhiều ngày tại khu vực Bãi Tư Chính.
Bãi Tư Chính: TQ ‘đẩy vấn đề’ tinh vi hơn
Bãi Tư Chính: ‘VN và TQ không muốn leo thang xung đột’
Bãi Tư Chính: « Đã đến lúc VN kiện TQ ra tòa quốc tế »?
Diễn biến xảy ra bất chấp cam kết hồi tháng 5/2019 của các bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Việt Nam theo đó hai bên giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua đàm phán.
Cho đến hôm thứ Hai 5/8, Tàu Hải Dương 8, do Hội Thăm dò Địa chất Trung Quốc vận hành, và một số tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn đang có mặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Cao cấp (C4ADS) có trụ sở ở Washington nói, dựa trên dữ liệu từ công ty phân tích hàng hải Winward.
Người dân ‘sẽ xuống đường’
Bình luận với BBC hôm 6/8 về cuộc biểu tình nhỏ này, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nói:
« Theo tôi, diễn biến tình hình càng ngày càng nóng lên hơn nữa. Trung Quốc càng ngày càng gia tăng sự hiện diện ở khu vực Nam Biển Đông, càng ngày càng trở nên hung hãn hơn. »
« Phản ứng của người dân thể hiện trên mạng là rất căm phẫn, lên án hành động hành động có thể gọi là xâm lược của Trung Quốc đối với các vùng biển của chúng ta. »
« Hiện tượng một số người đã bắt đầu đứng biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc, theo tôi, là một sự bắt đầu. Không loại trừ trong những ngày tới, nếu tình hình cứ tiếp tục diễn biến như thế này thì sẽ có những cuộc biểu tình tiếp tục do người dân tự đứng lên và tổ chức. »
Hồi 2014, đã xảy ra biểu tình lớn của người dân phản đối việc Trung Quốc đã đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.
Cuộc biểu tình bị đàn áp và một số người tham gia biểu tình bị bắt và kết án.
Nhưng lần này, chính quyền Việt Nam sẽ « không có thái độ trấn áp » như các cuộc biểu tình trước đây, theo ông Hoàng Ngọc Giao.
« Gần đây dư luận cũng đặt lên vấn đề tại sao lần này nghiêm trọng, thậm chí nghiêm trọng hơn lần trước mà chưa thấy người dân xuống đường biểu tình. Ngay cả giới chức chính quyền cũng đặt vấn đề như vậy.
« Lời giải thích rất nhiều trong dư luận cho rằng người dân lần này tỏ thái độ không ủng hộ cách chính quyền đối xử với những người biểu tình chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. »
« Nhưng tôi nghĩ rằng việc [người dân] im lặng trong tháng Bảy vừa rồi và không sục sôi xuống đường không có nghĩa là người dân đã từ bỏ lòng yêu nước hay phó mặc việc này cho chính quyền. »
« Người dân, với bối cảnh hiện nay, chắc chắn sẽ xuống đường để thể hiện thái độ của mình, » ông Hoàng Ngọc Giao nói.
Tuần trước, Phó Chủ tịch Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh cảnh báo về ‘tình hình ngày càng phức tạp’ ở Biển Đông trong chuyến thăm và làm việc Vùng 4 Hải Quân ở Cam Ranh, Khánh Hòa, theo truyền thông Việt Nam.
Tại hội nghị ASEAN và các đối tác ở Bangkok đầu tháng 8, Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tuyên bố hoạt động của tàu Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng.
Hôm thứ Năm 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích sự « xâm lấn » của Trung Quốc ở Biển Đông, trong lúc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói những vấn đề về hàng hải có liên quan đến Việt Nam sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini có phát biểu ủng hộ quan điểm của Việt Nam về Biển Đông trong cuộc hội đàm với Việt Nam hôm 5/8.
Poster un Commentaire