Festival de Cannes Đại hội điện ảnh Cannes  » Cuộc đời bí hiểm » (A hidden life) Terrence Malick

Festival de Cannes

Đại hội điện ảnh Cannes  » Cuộc đời bí hiểm » (A hidden life) Terrence Malick

Chủ nhật 19 tháng 5 năm 2019, Festival de Cannes xuất hiện ê kíp của Terrence Malick, nhưng nhà đạo diễn lại vắng mặt trên thảm đỏ.

Terrence Malick kể một chuyện có thật về Franz Jagerstatter, một người Áo « từ chối cầm súng và chiến tranh vì lương tâm  » trong Thế chiến II.

Xin nhắc là Terrence Malick đã từng giật giải Palme d’Or ở Cannes tám năm trước cho phim The Tree of Life (Cái Cây của Cuộc đời)

Sau một phần mở đầu bằng các đoạn phim đen trắng trong đó có Hitler và những màn diễn binh của nhà độc tài, camera quay khu vực tuyệt đẹp của miền bắc Áo.

Franz Jagerstatter, (August Diehl), và người vợ vừa đẹp, vừa mạnh mẽ Franziska (Valerie Pachner) quản lý một trại nông nghiệp lớn. Hai vợ chồng có một cô con gái nhỏ.

Khi Franz lần đầu tiên được Đức Quốc Xã gọi đi quân dịch vào năm 1940, và trong một lá thư gửi về nhà, đặt câu hỏi « Chuyện gì đã xảy ra với đất nước chúng ta? »

Franz tâm sự những hoang mang của mình với vị linh mục địa phương. Nhà tu sĩ cảnh báo rằng anh ta có thể bị bắn vì « từ chối cầm súng và chiến tranh vì lương tâm », sự hy sinh của anh sẽ không có lợi cho ai.

Có những màn rất dài, nhân vật chính không nói gì, không nói với ai ngay cả với gia đình, có lẽ theo câu châm ngôn « nếu không có gì đáng nói để nói thì đừng nói »

Thay vì nói lên vấn đề đạo đức, tôn giáo và chính trị nặng nề của câu chuyện, Malick chỉ lướt qua.

Cách đạo diễn này với chủ đích sau : trước hết, diễn tả sự khó khăn về truyền đạt sự thay đổi lúc tiến lúc lùi về thái độ của Franz. Sau nữa, nó tách xa ý tưởng của anh với gia đình. Thứ ba, nó để lại bản chất thực sự của sự phản đối không thể hiện hẳn và có thể nói là âm thầm.

Franz quyết định theo « từ chối cầm súng và chiến tranh vì lương tâm  » dù anh biết đây là một hành vi trái luật. Nhưng Malick, với ba giờ đồng hồ, không bao giờ cho nhân vật một cơ hội nào để giải thích cặn kẽ suy nghĩ của mình.

Nhà đạo diễn cố ý diễn tả sự khó hiểu về hành vi thực sự của Jagerstatter, có thể vì tôn giáo, có thể vì lý lẽ khác, cũng như sự miễn cưỡng khó hiểu của anh ta khi thảo luận vấn đề với vợ và gia đình.  Jagerstatter, tử vì đạo ? có lẽ đúng, nhưng đạo diễn không bao giờ cho nhân vật mình nói lên một cách sâu đậm về hành vi này.

Malick chú trọng rất ít ỏi về sự hỗn loạn trong trí tuệ và quá trình suy nghĩ của nhân vật về đạo đức cũng như về tôn giáo.

Khuynh hướng của Malick luôn luôn hướng ngoại, đây là một câu chuyện về một cuộc đấu tranh nội tâm mãnh liệt, một cuộc đấu tranh vẫn chưa được làm sáng tỏ. Khán giả không biết những phản đối của Jagerstatter có thực sự mang tính tôn giáo theo nghĩa kinh điển hay chỉ theo một cách đạo đức chung.

Đến năm 1943, Đức Quốc xã đã có đủ bằng cớ về sự bướng bỉnh của Franz và tống giam Franz vào một nhà tù quân sự.

Từ ngày đó đến ngày bị chém, mỗi lần ra toà, người ta dụ dỗ rằng cứ ký giấy hoan hô Hitler anh sẽ được trả tự do ngay, nhưng anh một mực từ chối.

Khi biết tin anh bị án tử hình, vợ Franz liền lấy tầu đi Berlin thăm chồng. Màn gặp gỡ này rất thảm thương, khán giả hoảng hồn khi thấy vợ Franz nói với chồng « Anh cứ theo cái gì mà lương tâm đã chỉ dẫn, chúng ta sẽ gặp lại nhau trong thế giới bên kia »

Tuy phim dài ba giờ đồng hồ, nhưng khán giả không bao giờ có cảm tưởng là thời gian của phim dài gấp hai thời gian thường lệ.

Phim The hidden Life (Một đời bí hiểm) là một tuyệt tác cũng như hầu hết phim của Terrence Malik.

Nguyễn Đình Nhân

Festival de Cannes 2019

Soyez le premier à commenter

Poster un Commentaire

Votre adresse de messagerie ne sera pas publiée.